Trương Giác khởi sự, nhà Hán lo đối phó Khởi_nghĩa_Khăn_Vàng

Để chuẩn bị khởi sự chống nhà Đông Hán, Trương Giác sai người liên kết với hai viên Trung thường thị trong cung Hán Linh Đế là Phong Tư và Từ Phụng. Hai người này xin làm nội ứng cho Trương Giác.

Trương Giác dự định khởi binh đồng loạt trên cả tám châu vào ngày 5 tháng 3 âm lịch năm 184. Tất cả các giáo chúng đều chít khăn vàng trên đầu làm hiệu, vì vậy lực lượng này được gọi là quân Khăn Vàng. Để tăng cường tuyên truyền làm giảm uy tín của nhà Hán, tăng uy thế cho mình, Trương Giác sai người phao tin trong dân gian: "Thương thiên dĩ tử, hoàng thiên đương lập. Tuế tại Giáp Tí, Thiên hạ đại cát" (蒼天已死,黃天當立,歲在甲子,天下大吉 | Trời xanh đã hết, Trời vàng nên dựng. Đúng năm Giáp Tí, Thiên hạ đại cát) (ứng với màu vàng của mình).

Nhưng khi Trương Giác chưa kịp khởi sự thì một đệ tử là Đường Chu phản lại ông, bí mật tố giác với triều đình nhà Hán. Nhân việc này Lang trung Trương Câu dâng thư lên Hán Linh Đế kể tội "thập thường thị" do Trương Nhượng đứng đầu, cho rằng sở dĩ nhân dân theo Trương Giác chống triều đình vì thập thường thị và những người nhà làm quan lại các châu quân bóc lột dân chúng quá nặng, do đó nên bắt chém hết thì sẽ yên thiên hạ. Nhưng vua Hán nhận được bản tâu của Trương Câu lại mang cho Trương Nhượng xem. Trương Nhượng cùng thập thường thị vội tạ tội và xin cống hiến gia tài phục vụ cho việc đánh dẹp. Hán Linh Đế bèn xá miễn cho Trương Nhượng và các hoạn quan, rồi gọi Trương Câu vào mắng.

Trương Câu lại dâng tờ tấu nữa với nội dung tương tự. Trương Nhượng và các hoạn quan bèn giữ tờ tâu lại không đưa lên trình vua nữa. Hán Linh Đế nghe theo Trương Nhượng, bèn sai đình úy truy tìm những người đồng đảng tham gia đạo Thái Bình với Trương Giác. Quan Ngự sử chiều ý Trương Nhượng bèn sai người vu cáo Trương Câu học đạo Thái Bình, vì vậy Linh Đế hạ lệnh bắt Trương Câu giam vào ngục. Không lâu sau Trương Câu bị bức tử trong ngục.[2]

Nhờ sự tố cáo của Đường Chu, ngoại thích - Đại tướng quân Hà Tiến sai quân bắt người phụ trách các đệ tử của Trương Giác tại Lạc Dương là Mã Nguyên Nghĩa mang xé xác. Hoạn quan Phong Tư và Từ Phụng cũng lập tức bị bắt bỏ ngục. Đồng thời, hơn 1000 đệ tử của Trương Giác ở kinh thành bị bắt giam và giết chết.[4]

Biết việc bị lộ, Trương Giác phải khởi sự gấp gáp ngay trong tháng 2 năm đó.